Duyên nợ vợ chồng dưới góc nhìn của Phật giáo
Duyên nợ vợ chồng khiến những người xa lạ gặp nhau, kết hôn, và có thể gắn bó với nhau cả một đời người. Nếu là duyên lành thì sẽ có cuộc sống tương đối hạnh phúc, nhưng nếu là “nợ” thì cuộc sống bất hòa, đau khổ.
Duyên nợ vợ chồng là gì?
Chúng ta biết, không phải vô nhân, vô duyên mà thành vợ, thành chồng. Chuyện vợ chồng là duyên, là nghiệp mà lại là duyên nghiệp rất chặt chẽ với nhau (duyên nợ). Không phải hai người ở nơi khác nhau mà tự nhiên lại “va” vào nhau. Có nhiều trường hợp, vợ chồng lấy nhau là duyên. Nhưng cũng có trường hợp vợ chồng lấy nhau là nợ. Chữ “duyên” trong chuyện vợ chồng thể hiện những điều tốt lành, còn chữ “nợ” để chỉ vợ chồng lấy nhau để trả nợ, hành nhau.

Mối liên hệ giữa luân hồi và duyên nợ vợ chồng
Chúng ta có phúc báu thì gặp được người bạn đời rất tâm đầu ý hợp. Còn nếu chúng ta thiếu phước báu trong chuyện vợ chồng, ví như nhiều kiếp trước chúng ta không tu đức hạnh, đạo đức của người vợ, người chồng thì đến kiếp này sinh ra, chúng ta khó có thể gặp được người vợ/chồng tốt. Ví dụ, kiếp trước chúng ta phạm tội tà dâm thì quả báo kiếp sau, nếu được tái sinh làm người thì chắc chắn sẽ lấy phải người vợ/chồng không trinh thuận, ngoại tình. Đây là nhân quả điều khiển, nghiệp báo sai khiến và chúng ta không thể chọn lựa được.
Hay có nhiều cặp vợ chồng thường đánh đập nhau, tưởng là tan vỡ nhưng cuối cùng vẫn ở với nhau. Cứ đi ra khỏi nhà tự nhiên lại bâng khuâng, thấy nhung nhớ, phải quay về để trả nợ với nhau. Bởi cái nợ chưa hết, nghiệp vẫn trói.

Tiếp nữa, trước khi lấy phải người chồng không tốt thì chúng ta rất say đắm. Bởi nợ nghiệp đến và nó bắt mình phải say đắm. Bố mẹ nhìn biết là bợm rượu, cũng khuyên “Đừng lấy người này, lấy về chỉ khổ thôi” nhưng không được. Lúc ấy, chúng ta còn thể hiện ý chí, tình yêu là trên hết, thà chết vì tình yêu, hy sinh vì người yêu của mình chứ không chịu bỏ.
Mặc dù người kia trông ăn chơi, nhưng chúng ta lại thấy đẹp trai, thích thú. Bởi nghiệp xui nên phải thích nhau, nhìn thấy nhau là thích; cái nợ bắt chúng ta phải thích người ấy. Và thực tế, đến khi rước về thì chúng ta mới kêu khổ. Cho nên, hạnh phúc của mỗi người là biểu hiện của phước hoặc nghiệp (nợ) của chúng ta. Đức Phật dạy rằng, đời này xem mình thụ hưởng thế nào thì biết được nhân đời trước đã gieo. Nếu lấy phải người chồng suốt ngày đánh đập, hành hạ, bắt mình phải trả nợ thì chúng ta biết chắc chắn rằng kiếp trước mình đang mắc nợ người ấy.
Trong suốt đời ta, sẽ gặp hàng nghìn hàng vạn loại người.Để yêu một người thì không cần cố gắng, chỉ cần có “duyên” là đủ. Nhưng để tiếp tục yêu một người thì phải cố gắng.Tình yêu như sợi dây, hai người cùng kéo hai đầu, chỉ cần một người kéo căng hoặc bỏ lơi, tình yêu ấy sẽ căng thẳng hoặc chùng lại. Bất kể thế nào, khi sợi dây đó đứt, bạn chỉ mất đi một người không yêu bạn, nhưng người đó đã mất đi một người yêu họ. Mất một người không biết trân quý bạn, có gì phải buồn rầu? Bởi bạn còn cơ hội, một lần nữa, gặp người biết rằng bạn quý giá.